Cover photo

Carry Trade - Giao dịch chênh lệch lãi suất và lòng tham của con người.

Trong cơn sập thị trường vừa rồi. JPMorgan có một báo cáo rằng 75% số lượng hợp đồng carry trade đã đóng. Vậy thực sự carry trade là gì và nó phổ biến ở Việt Nam không

Carry Trade là một chiến lược đầu tư tận dụng sự chênh lệch về lãi suất giữa hai đồng tiền (hoặc tài sản) khác nhau để kiếm lời. Nói một cách đơn giản, bạn vay tiền với lãi suất thấp ở quốc gia A và dùng số tiền đó để đầu tư vào tài sản có lãi suất cao hơn ở quốc gia B.

Trong tiếng Anh, "Carry" trong "Carry Trade" mang nghĩa "duy trì, nắm giữ" một vị thế giao dịch để hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất theo thời gian.

Hãy tưởng tượng bạn "mang" ("carry") số tiền vay lãi suất thấp sang thị trường khác để đầu tư lãi suất cao hơn, và bạn phải "gánh" ("carry") khoản đầu tư đó cho đến khi đáo hạn để hưởng chênh lệch.

Thông thường, các tài sản được đi vay là những đồng tiền ít biến động so với đồng tiền đầu tư, ví dụ như đồng yên (JPY), franc Thụy Sỹ (CHF). Như hiện nay, ta có thể vay JPY với lãi suất 0.5% và sau đó đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ với lãi suất đang 5.5%.

Ta đưa một ví dụ đơn giản để dễ hình dung:

1/ Vay 10.000.000 JYP với mức lãi suất rất thấp 0.4%

2/ Đổi Yên sang 83.333,33 USD hoặc đồng tiền khác có lãi suất cao hơn (USD/JPY = 120).

3/ Đầu tư vào các sản phẩm tài chính như trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng, mạo hiểm hơn là trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu… Ở ví dụ này là 5% lãi suất từ thị trường tiền tệ, sau 360 ngày thu về 87.500 USD.

4/ Đổi gốc và lãi từ USD về Yên (USD/JPY = 120), thu được 10.500.000 JYP. Sau đó hoàn trả khoản vay 10.040.000 JPY. Lãi thu được dựa trên chênh lệch lãi suất là 460.000 JYP.

Nhưng đấy là trên lý thuyết, khi tỷ giá của USDJPY là đứng yên, còn thực tế thì làm gì có vụ giá đứng yên thế. Nên rủi ro của Carry Trade tiền tệ này lại là "bốc ngắn cắn dài", tức là tỷ giá giữa 2 tài sản sẽ luôn biến động và sẽ thu hẹp chênh lệch giá trị của tài sản đầu tư. Trong khi tài sản đầu tư thường có thời hạn khá dài để được chênh lệch lãi suất cao.

Ví dụ điển hình nhất là trường hợp thị trường sập vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ - Bank of Japan) đã tăng lãi suất lên để kiềm hãm đà giảm giá của đồng nội tệ quốc gia này. Điều này như "cơn sóng đẩy kép", vừa làm lãi suất vay JPY tăng lên và làm giá đồng JPY tăng theo. Khiến cho chênh lệch lãi suất của Carry Trade JPYUSD bị thu hẹp nhanh chóng nên các nhà đầu tư tổ chức phải đóng hợp đồng sớm bằng cách bán tài sản đầu tư (cổ phiếu, crypto,...) để hoàn trả khoản vay JPY.

Vì thế, sói già "giàu chậm" phố Wall Warrent Buffet lại có một cách carry trade khôn ngoan hơn nhiều.

Thương vụ Carry Trade cáo già của bố già Warrent Buffet.

Bên cạnh việc đầu tư vào các đồng tiền, Carry Trade còn có thể được áp dụng linh hoạt cho nhiều loại tài sản khác, chẳng hạn như cổ phiếu. Minh chứng rõ nét nhất là thương vụ đầu tư đầy khôn ngoan của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway.

Bố già thay vì lo ngại về biến động tỷ giá thì lại đầu tư vào tài sản là cổ phiếu 5 tập đoàn hàng đầu nước Nhật được định giá và trả lãi (chia cổ tức) bằng chính đồng tiền đi vay là JPY.

Năm 2020, Berkshire đã vay một khoản tiền khổng lồ lên đến 10 tỷ Yên với thời hạn vay rất dài, đến tận năm 2060. Khoản vay này sau đó được sử dụng để mua 5-8% cổ phần tại 5 tập đoàn thương mại hàng đầu Nhật Bản, bao gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo. Tổng giá trị thị trường của 5 tập đoàn này vào thời điểm đó ước tính khoảng 38 tỷ Yên.

Điểm mấu chốt của thương vụ này nằm ở việc "bốc ngắn cắn dài" và chênh lệch lợi nhuận kỳ vọng. 5 tập đoàn kể trên đều là những doanh nghiệp lớn, hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Nhật Bản, có tình hình tài chính ổn định, thường chi trả cổ tức đều đặn và thậm chí còn mua lại cổ phiếu.

Berkshire ước tính tỷ suất lợi nhuận (EPS) trên giá thị trường của các công ty này vào khoảng 14%, có nghĩa là cứ mỗi 100 Yên đầu tư vào đây, Berkshire kỳ vọng thu về 14 Yên lợi nhuận mỗi năm. Tỷ suất này tương đương với hệ số P/E là 7.14.

Hệ số P/E (Price-to-Earnings ratio) là tỷ lệ giữa giá cổ phiếu hiện tại và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của công ty. Nó cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho mỗi đồng lợi nhuận mà công ty tạo ra. Hệ số P/E càng thấp, chứng tỏ giá cổ phiếu càng rẻ so với tiềm năng lợi nhuận.

Trong trường hợp này, P/E = 7.14 (100 / 14 = 7.14) cho thấy giá cổ phiếu của 5 tập đoàn Nhật Bản khá hấp dẫn so với tiềm năng lợi nhuận. Trong khi đó, chi phí lãi vay hàng năm cho khoản vay 10 tỷ Yên chỉ vỏn vẹn 0.5%, tức là Berkshire chỉ phải trả 50 triệu Yên tiền lãi mỗi năm.

Rõ ràng, chênh lệch giữa lợi nhuận kỳ vọng 14% và chi phí vay 0.5% là rất lớn, tạo ra một thương vụ Carry Trade đầy tiềm năng cho Berkshire. Đây là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng thành công chiến lược Carry Trade trên thị trường cổ phiếu, nơi nhà đầu tư khôn ngoan đã tận dụng được đồng tiền "rẻ" để đầu tư vào tài sản sinh lời cao với mức giá hợp lý.

Carry Trade phổ biến ở Việt Nam không và trade như thế nào?

Câu trả lời là CÓ và KHÔNG. Có là vì thực tế Carry Trade phổ biến ở nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như chiến lược của Bố già Buffet ở trên thì retail ở Việt Nam có thể thực hiện được. Nhưng cần phải lưu ý một số điểm sau:

  1. Lãi suất khi Buffet tính lợi nhuận chênh lệch ở đây là khả năng trả cổ tức đều đặn chứ không phải là giá cổ phiếu. Tức ông dùng tiền chia cổ tức để trả lãi và ăn chênh lệch nên có thể hold trong một thời gian dài mà không lo giá cổ phiếu lên xuống chứ không phải là ngắn hạn đầu cơ. Đây mới là điểm mấu chốt trong chiến lược của ông.

  2. Năm tập đoàn hàng đầu Nhật Bản mà Buffet đầu tư đều kinh doanh chủ chốt ở mảng công nghiệp, sản xuất. Một thị trường vừa có tính cạnh tranh nhưng cũng độc quyền cao. Và điều quan trọng, là nó không có tính thời vụ và thiết yếu cho nền kinh tế Nhật Bản. Chứ nếu mà ông đầu tư vào Bất Động Sản mà tới mùa suy thoái là ảnh hưởng nặng nề thì câu chuyện tính P/E kia cũng không có ý nghĩa và khó định lượng.

  3. Khi tính EPS hay P/E nên xem xét trừ đi các khoản xào nấu sổ sách. Ví dụ như nửa đầu năm 2024, VinGroup lỗ tới hơn 7.900 tỷ nếu trừ hoạt động tài chính râu ria ra. Thì EPS thực tế nó là âm chứ không phải là dương. Và khi đó, nếu đầu tư Carry Trade vào VHM thì lại là rủi ro vì không có dòng lợi nhuận cổ tức để trả lãi.

Ngoài ra, việc bạn gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn với lãi suất thấp vào ngân hàng rồi ngân hàng cho vay dài hạn như mua nhà, mua xe, ... để ăn chênh lệch lợi nhuận cũng là một dạng của Carry Trade. Nên tại sao các bạn thấy kỳ hạn tiết kiệm ngắn thường lại có lãi suất thấp hơn nhiều dài hạn là như vậy.

Ngân hàng Trade Carry ngoại hối như thế nào?

Còn KHÔNG là vì nếu đúng nghĩa Trade thì chủ yếu chỉ phổ biến ở nghiệp vụ ngân hàng vì hiện nay chỉ có ngân hàng mới có thể giao dịch Forex chính thống mà thôi. Vậy các ngân hàng Việt Nam carry trade ngoại hối như thế nào?

Do hạn chế về việc tiếp xúc với một số hình thức đầu tư bên ngoài Việt Nam như trái phiếu Mỹ (US Treasury Bill - UTB) hay khó khăn trong việc báo cáo bảng cân đối kế toán nên một số ngân hàng nước ngoài có chào bán một loại sản phẩm tài chính là Total Return Swaps (TRS) - Hợp đồng hoán đổi tổng lợi nhuận - với tài sản là UTB.

TRS là là một thỏa thuận song phương giữa hai bên, trong đó một bên đồng ý thanh toán cho bên kia toàn bộ lợi nhuận (hoặc thua lỗ) từ một tài sản hoặc một rổ tài sản nhất định.

Cơ chế hoạt động của TRS:

Bên A (người muốn tiếp cận tài sản) đồng ý thanh toán cho bên B (người nắm giữ tài sản) một khoản thanh toán định kỳ dựa trên một lãi suất cố định hoặc thả nổi.

Đổi lại, bên B đồng ý thanh toán cho bên A toàn bộ lợi nhuận (bao gồm cả thu nhập và biến động giá) từ tài sản hoặc rổ tài sản được tham chiếu.

Ví dụ:

  • Giả sử A muốn tiếp cận lợi nhuận của một rổ cổ phiếu VN30 nhưng không muốn trực tiếp mua cổ phiếu. A có thể tham gia vào TRS với B (một ngân hàng đầu tư).

  • A đồng ý trả cho B lãi suất cố định 5%/năm trên một khoản tiền danh nghĩa (ví dụ: 100 tỷ VND).

  • B đồng ý trả cho A toàn bộ lợi nhuận (hoặc thua lỗ) từ rổ cổ phiếu VN30.

  • Nếu VN30 tăng giá 10%, A sẽ nhận được 10 tỷ VND từ B. Ngược lại, nếu VN30 giảm 5%, A sẽ phải trả cho B 5 tỷ VND.

Và để có thể sử dụng đòn bẩy để gia tăng lợi nhuận, các tổ chức tài chính đã áp dụng cơ chế CFD (Contract For Different) - Hợp đồng chênh lệch vào TRS. Thay vì yêu cầu bạn phải bỏ ra toàn bộ số tiền USD để tham gia, họ cho phép bạn chỉ cần ký quỹ (đặt cọc) một phần nhỏ giá trị hợp đồng TRS.

Ví dụ:

Giả sử giá trị hợp đồng TRS là 100.000 USD, dựa trên lợi nhuận của một rổ Trái phiếu chính phủ Mỹ.

Thay vì phải bỏ ra 100.000 USD, bạn chỉ cần ký quỹ 10.000 USD (tương đương 10% giá trị hợp đồng) để tham gia.

Nhờ cơ chế CFD, bạn có thể tham gia vào TRS với số vốn ban đầu thấp hơn rất nhiều.

CFD thì chắc anh em trade các sàn Forex ở Việt Nam chả lạ gì nhưng có khi cũng chưa hiểu hết cơ chế của nó. Cái này mình sẽ nói ở một bài sau khi nào siêng =))).

Đặc biệt, nếu nhà đầu tư (ngân hàng Việt Nam) sử dụng một loại tiền tệ khác có lãi suất thấp hơn VND để tham gia, chẳng hạn như JPY, thì giao dịch TRS này được gọi là CCTRS (Cross-currency Total Return Swaps).

Tuy nhiên, cần nhớ rằng, CCTRS hay TRS là các hình thức đầu tư phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cao, đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu thị trường và có khẩu vị rủi ro phù hợp.

Ngoài ra, còn một số chiến lược carry trade khác như:

  • Chênh lệch hợp đồng tương lai: Ngân hàng có thể mua hợp đồng tương lai của một tài sản với giá thấp hơn giá thị trường hiện tại và bán hợp đồng tương lai của cùng tài sản đó với kỳ hạn ngắn hơn với giá cao hơn. Chênh lệch giá giữa hai hợp đồng tạo ra lợi nhuận Carry Trade.

    Ví dụ như bạn mua một hợp đồng tương lai vàng đáo hạn sau 1 năm với giá 1.800 USD/ounce. Điều này cho phép bạn "khóa" mức giá mua vàng sau 1 năm, ngay cả khi giá vàng tăng cao hơn trên thị trường hiện tại.

    Đồng thời, bạn bán một hợp đồng tương lai vàng đáo hạn sau 3 tháng với giá 1.850 USD/ounce. Do kỳ hạn ngắn hơn, hợp đồng này phản ánh kỳ vọng giá vàng tăng nhẹ trong ngắn hạn.

    Bạn tạo ra chênh lệch giá 50 USD/ounce (1.850 - 1.800) giữa hai hợp đồng.

    Chênh lệch này là lợi nhuận Carry Trade của bạn, được "khóa" ngay từ thời điểm giao dịch, bất kể giá vàng biến động thế nào trong tương lai.

    Nhưng chiến lược này cũng có rủi ro là nếu giá vàng giảm mạnh trong ngắn hạn, vượt quá chênh lệch giá 50 USD ban đầu thì là bạn lỗ.

    Cực kỳ lưu ý, Futures - Hợp đồng tương lai - này là có thời hạn chứ không phải Peppetual không thời hạn.

  • Chênh lệch quyền chọn: Ngân hàng có thể bán quyền chọn bán và mua quyền chọn mua của cùng một loại tài sản với cùng mức giá thực hiện và ngày đáo hạn. Chênh lệch phí bảo hiểm giữa hai quyền chọn tạo ra lợi nhuận Carry Trade. Ví dụ tương tự như Chênh lệch hợp đồng tương lai nhưng bạn có thể không thực hiện quyền chọn và chịu phí phạt để giảm thiểu rủi ro.

  • Chênh lệch tín dụng: Ngân hàng có thể vay vốn với xếp hạng tín dụng cao (ví dụ JPY/CHF) và cho vay lại với xếp hạng tín dụng thấp hơn nhưng lãi suất cao hơn (ví dụ trái phiếu ba không của VinGroup).

Có thể thấy rằng, Carry Trade là một nghiệp vụ tài chính rất phổ biến trong giới đầu tư tổ chức cũng như ngân hàng. Việc JPY tăng giá và giao dịch Carry Trade với USD cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong Carry Trade. Bản thân tỷ giá USDJPY cũng đâu tăng giảm nhiều. Mà chủ yếu là bên thị trường phái sinh như chứng khoán, crypto, hàng hóa chứ không phải thị trường sụp là do carry trade JPY.

Lòng tham của con người khiến cho họ chỉ tin cái họ muốn tin

Việc chỉ khảo cứu và viết theo một thị trường cặp tiền tệ rồi phán thị trường sụp do carry trade hay do BOJ tăng lãi suất là một sự võ đoán kiểu "thầy bói xem voi". Chưa kể, BOJ chỉ tăng từ 0.1 lên 0.25% chứ có nhiều nhặn gì cho cam mà sợ lỗ.

Cái chính, tâm lý lo ngại về suy thoái khi khả năng FED chính thức giảm lãi suất tháng 9 này đang tới gần mới là nguyên nhân chính cho thị trường sập và mọi người dần rút vốn tiền mặt về.

Ngay Warrent Buffet còn bán 50% lượng cổ phiếu Apple nắm giữ để rút tiền về cơ mà.

Mà BOJ tăng lãi suất là nhiều tin đã cảnh báo ra rả rồi, chỉ là đám gambling có tin hay không thôi. Ví dụ như theo khảo sát thực hiện đợt tháng 7 của Bloomberg, chỉ 29% nhà phân tích dự đoán đúng đợt tăng lãi suất này, tức là thị trường có biết mà chứ đâu có gì là bất ngờ.

Hiểu về tài chính tưởng khó mà lại không khó vì nó bản chất là trao đổi, nhưng nói hiểu dễ thì cũng chả dễ vì thị trường rất đa dạng và rộng cũng như liên đới với nhau. Chứ không phải nhìn vào 1, 2 cái tin mà một mớ KOL crypto phán như đúng rồi trong khi không hiểu bản chất của giao dịch và vấn đề.

Ngay như việc họ tin rằng cuối năm BTC sẽ tăng lên 100.000 USD khi FED hạ lãi suất cũng là ngớ ngẩn. Suy thoái là gì, là sản xuất co hẹp, thất nghiệp và chi phí xã hội tăng cao, thì retail lo ăn từng bữa còn mệt mỏi chứ làm gì mà thừa tiền mà đổ vào gambling trade trủng. Dòng tiền tăng nhất thời cũng chỉ là Market Maker vào hớt váng thị trường thôi. Chỉ khi nào lãi suất về khoảng 2 - 3% thì lúc ấy lãi suất vừa đủ để kích thích vay vốn sản xuất trở lại, việc làm tăng, dòng tiền mới đổ về retail trở lại và thị trường mới sôi động. Mà như thế thì còn khướt ít nhất tới giữa năm sau.

Còn tôi, càng có nhiều sự kiện thì tôi lại càng học được nhiều và biết nhiều cũng như chả đổ thừa cho hoàn cảnh vì thực tế tin giờ nó dễ kiếm, dễ đọc chứ đâu như ngày xưa. Bỏ bớt cái tham mà nhìn nhận bản chất vấn đề thì mọi thứ đều rõ ràng thôi.

Loading...
highlight
Collect this post to permanently own it.
Sonnie Tran logo
Subscribe to Sonnie Tran and never miss a post.
#taichinh