Cover photo

Vì sao SBV phải can thiệp "cực đoan" vào giá vàng SJC ?

Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) sau 12 năm đã phải can thiệp một cách cực đoan vào SJC và nguyên do vì đâu?

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV - State Bank of Vietnam) đã phải vào cuộc để "hạ nhiệt" giá vàng SJC khi tài sản này liên tục lập đỉnh mới, vượt xa giá vàng thế giới. Từ các biện pháp mạnh tay như kiểm soát nguồn cung, đấu giá vàng đến giải pháp bán vàng SJC với giá tiệm cận giá quốc tế, SBV đã nỗ lực kiểm soát thị trường vàng vốn nhiều biến động. Vậy đâu là nguyên nhân khiến SBV buộc phải can thiệp vào thị trường vàng SJC, dù trước đó chính Ngân hàng này đã để tình trạng giá vàng trong nước cao hơn đáng kể với thế giới diễn ra từ 2012 khi độc quyền sản xuất và phân phối vàng miếng SJC? Và hệ lụy của việc này đến nền kinh tế Việt Nam ra sao?

Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi hàng loạt đại án kinh tế lớn nổ ra như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thinh Phát làm thị trường Bất Động Sản mất thanh khoản (không thể chuyển nhượng) và gần như đóng băng. 

Thêm vào đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát Mỹ đã khiến dân Mỹ và Châu Âu thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu làm các tập đoàn lớn thu hẹp sản xuất làm hàng loạt các công ty gia công đơn hàng phá sản đã làm cho Việt Nam mất một dòng tiền ngoại hối lớn chảy vào nền kinh tế gây áp lực lên giá trị đồng Việt Nam.

Có thể nói, đây là một hệ quả nhãn tiền của nền kinh tế chạy đua thành tích tăng trưởng quá vội vàng của chính quyền Việt Nam khi sản xuất thì phụ thuộc lớn vào gia công nước ngoài, còn tăng trưởng trong nước lại tới chủ yếu từ bong bóng Bất Động Sản với hàng loạt sai phạm và tham nhũng. Với tình hình kinh tế xã hội “vỡ trận” như vậy, chính quyền Việt Nam đã ra lệnh cho Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước phải cứu Bất Động Sản và duy trì tăng trưởng bằng mọi giá để tạo ra tình trạng kinh tế vẫn ổn định "giả tạo" bất chấp khó khăn, mặc cho tình hình kinh tế thế giới đang thời kỳ siết chặt để cân bằng lạm phát. 

Và từ đây, để thực hiện nhiệm vụ chính trị mị dân an sinh của chính phủ, SBV đã quyết định hạ lãi suất cơ bản ngân hàng để kích thích cho vay dù đi ngược xu hướng chung của thế giới. Về lý thuyết, lãi suất là công cụ mạnh nhất để điều hướng dòng tiền trong nền kinh tế. Hạ lãi suất thấp đồng nghĩa với kích thích dòng tiền rời ngân hàng và tràn ra nền kinh tế qua các hoạt động đầu tư sản xuất và đầu cơ. Nhưng thực tế, nếu hạ lãi suất không đúng thời điểm sẽ để lại những hậu quả khó lường.

“Ngược dòng” hạ lãi suất: Lợi bất cập hại.  

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã hạ lãi suất cơ bản từ cuối quý 1 năm 2023 bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dẫn đến “nghịch lý” lãi suất Việt Nam thấp hơn lãi suất USD của FED. Điều này khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển khỏi Việt Nam sang các thị trường có lợi nhuận cao hơn và rủi ro thấp hơn, chủ yếu là Mỹ, làm cho giá trị của đồng tiền nội tệ Việt Nam mất giá chóng mặt.

Ngay trong tháng 3, 2023, Lãi suất cơ bản của Việt Nam đã thấp hơn cả FED. Nguồn: Trading Economics.

Đến đầu tháng 7 năm 2024, giá trị rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài từ các quỹ đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam có thứ hạng tín dụng thấp đã vượt 17.100 tỷ đồng, gấp 10,7 lần so với cả năm 2023. Dòng vốn này chủ yếu được chuyển vào trái phiếu chính phủ Mỹ, tiền gửi ngân hàng, vàng, yên Nhật, hoặc các thị trường chứng khoán mới nổi có thứ hạng tín dụng cao hơn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Việc rút ròng khoảng 48 tỷ USD của các nhà đầu tư FDI khỏi Việt Nam trong năm ngoái càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất giá của đồng nội tệ. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất cũng dẫn đến các hành vi sai trái như mua gom USD, vàng, và chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Những yếu tố tích cực như xuất siêu 28 tỷ USD và dòng kiều hối đổ về cũng không đủ để bù đắp cho dòng vốn đô la Mỹ chảy ra khỏi Việt Nam.

Hậu quả là chỉ trong vòng 2 năm (2022 - 2024), khi SBV duy trì lãi suất thấp hơn FED, đồng Việt Nam đã mất giá 11% so với USD, nhanh hơn nhiều so với mức giảm 8% trong cả giai đoạn 10 năm kinh tế ổn vĩ mô ổn định (2012 - 2022) trước đó.

Tỷ giá VND mất tới 11% giá trị với USD chỉ trong hai năm 2022 - 2024. Thêm lưu ý là trước năm 2012 VND cũng mất giá trầm trọng với USD do thời điểm đó vàng đang được tự do lưu thông và dùng để mua bán tài sản có giá trị lớn như Bất Động Sản. Nguồn biểu đồ: Tradingview

Lạm phát tăng trở lại khiến người dân đổ xô đi mua đô, trữ vàng. 

Còn riêng thị trường Việt Nam, mọi thứ cũng không sáng sủa hơn. Sau thời gian SBV tăng lãi suất để kiểm soát và đưa lạm phát về mức 2%, việc hạ lãi suất gần đây đã khiến lạm phát tăng trở lại, vượt mức 4% và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Lạm phát VN đang tăng trở lại lên gần 4.5% - Nguồn: Trading Economics.

Điều này khiến người dân lo ngại đồng tiền nội tệ Việt Nam mất giá, dẫn đến tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư, đổ xô đi mua chứng khoán, vàng, USD, bất động sản phát lý đầy đủ,... thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng. Hậu quả là giá trị của đồng Việt Nam càng giảm mạnh, niềm tin vào đồng nội tệ - vốn được gây dựng trong suốt 10 năm qua - cũng dần lung lay khi lãi suất hạ quá sâu. Nên việc Vàng SJC tăng giá phi mã như thời gian vừa qua khiến cho SBV phải can thiệp sau 12 năm đứng ngoài là một hệ quả tất yếu cho sai lầm trong chính sách lãi suất chỉ để làm đẹp thành tích cho chính phủ Việt Nam. 

Vàng là một loại tài sản đặc biệt khi nó có tính bảo toàn giá trị và là một kênh đầu tư phòng hộ an toàn. Do đó, lãi suất thấp của SBV càng thúc đẩy người dân đổ xô đi mua vàng vì nó cho lợi tức và giữ giá tốt hơn. 

Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh lịch sử, chạm mức hơn 90 triệu đồng một lượng, khiến người dân đua nhau mua gom. Sự khan hiếm nguồn cung vàng SJC do độc quyền của SBV cộng với đà tăng giá vàng thế giới do Trung Quốc tích trữ vàng liên tục trong những nhiều tháng đã đẩy giá chênh lệch giữa vàng SJC và vàng thế giới lên đến 20-30 triệu đồng/lượng. 

Nếu để giá vàng tăng phi mã thì đồng tiền nội tệ sẽ càng mất giá dẫn tới lạm phát tăng cao và gây bất ổn xã hội nên đã bắt buộc SBV phải nhảy vào tìm cách bình ổn giá vàng SJC bằng cách bán ra vàng SJC nhưng không thu mua vào. Có điều, muốn tăng nguồn cung để bình ổn vàng thì SBV phải trích USD từ dự trữ ngoại hối để mua vàng về dập và càng làm Việt Nam đồng mất giá thêm.  

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã sụt giảm khá nhiều sau khi làn sóng FDI và chứng khoán khối ngoại rút đi. Theo công bố của NHNN cuối tháng 3/2024 từ báo cáo về dự trữ ngoại hối trên thế giới của IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn trên 93 tỷ USD, vừa đủ mức tối thiểu 3 tháng nhập khẩu theo tiêu chuẩn an toàn của IMF. 

Biểu đồ dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ số liệu của IMF càng cho thấy rõ một bức tranh đáng lo ngại. Kho dự trữ từng mất 10 năm (từ 2012 đến 2021) để đạt đỉnh 110 tỷ USD, đã sụt giảm nhanh chóng 25 tỷ USD chỉ trong năm 2022. Bước sang năm 2023, con số này giậm chân tại chỗ và đứng trước nguy cơ tiếp tục giảm khi Ngân hàng Nhà nước phải bán ra USD và vàng để can thiệp thị trường thời gian tới.

Dự trữ ngoại hối Việt Nam - Nguồn: Trading Economics.

Đó là vì sao mà thời điểm ban đầu, SBV đã thử mọi cách kiềm chế cơn sốt vàng bằng rất nhiều cách cực đoan gây tranh cãi nhưng hạn chế tăng lượng vàng vào thị trường như tịch thu vàng được cho là không đúng giấy tờ ở các cơ sở kinh doanh vàng, bắt mua vàng có hóa đơn điện tử,.. Và buồn cười nhất là đấu giá vàng nhưng nhu cầu lớn tới mức mà giá đấu được còn cao hơn cả giá SJC ngoài thị trường, làm cho mọi kế hoạch của SBV đều thất bại. 

Để cuối cùng SBV phải “đầu hàng” mà tiếp tục xuất USD từ dự trữ ngoại hối quốc gia để mua vàng và đưa vào tăng nguồn cung thị trường làm giá trị Việt Nam đồng càng sụt giảm thêm.  

Hậu quả khó lường về sau từ chính sách lãi suất sai lầm

Để ngăn đà lao dốc của tỷ giá Việt Nam đồng, SBV đã phải bán ra thị trường 5 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia từ tháng 4 tới tháng 6 năm nay. Nhưng giải pháp bán ngoại tệ và duy trì lãi suất thấp chưa bao giờ là bền vững. Dự trữ ngoại hối cạn kiệt có thể dẫn đến thiếu hụt thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong khi lãi suất vẫn sẽ tăng.

Bài học từ quá khứ cho thấy, chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức thường “gậy ông đập lưng ông”, hệ quả là những cơn “sốt ảo” và bong bóng thị trường. Giai đoạn 2007-2010 là một minh chứng, tăng trưởng nóng dựa vào nới lỏng đã phải trả giá bằng bất ổn vĩ mô và khủng hoảng hệ thống ngân hàng 2011-2013. Gần đây nhất, chính sách nới lỏng 2021-2022 cũng đẩy hệ thống tài chính Việt Nam đến bờ vực mất thanh khoản vào cuối năm 2022.

Ngược lại, giai đoạn 2013-2019 chứng kiến ​​sự tăng trưởng lành mạnh của kinh tế Việt Nam, nhờ chính sách điều hành vĩ mô thận trọng, duy trì lãi suất hấp dẫn để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, kết hợp với tình hình kinh tế thế giới khởi sắc với dòng USD giá rẻ được đem đi đầu tư khắp nơi. Kết quả là Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI, FII, giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng cao thanh khoản và tạo điều kiện giảm lãi suất một cách bền vững. Vĩ mô ổn định là nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, người dân an tâm chi tiêu và đầu tư.

Thực tế đã chứng minh, những giai đoạn ưu tiên tăng trưởng bằng mọi giá, nới lỏng tiền tệ như 2007, 2009, 2021 chỉ tạo ra những con sóng đầu cơ ngắn hạn, để lại nhiều hệ lụy. Người dân bị cuốn vào vòng xoáy "FOMO", tìm mọi cách chạy đua mua tài sản để rồi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn cả việc VND mất giá.

Từ Mai Tran - Báo Sài Gòn Nhỏ.










Loading...
highlight
Collect this post to permanently own it.
Sonnie Tran logo
Subscribe to Sonnie Tran and never miss a post.
#vietnam#taichinh