Đó là hãng Hàng Không Quốc Gia Vietnam Airlines và khoản vay tái cấp vốn trị giá 4,000 tỷ VNĐ được chính phủ bảo lãnh. Chính phủ Việt Nam tiếp tục “đặc ân” phá vỡ quy chuẩn tín dụng để gia hạn nợ cho Vietnam Airlines, và chính đặc quyền này đang làm “méo mó” nền kinh tế Việt Nam cùng những hệ lụy to lớn đằng sau.
Trước mối e ngại về nguy cơ vỡ nợ của Vietnam Airlines do các khoản vay tái cấp vốn trị giá 4.000 tỷ đồng từ năm 2021 theo thông tư 04/2021/TT-NHNN đang đến hạn trả nợ vào tháng 7 tới, Quốc hội đã phải thông qua đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ cho Vietnam Airlines. Quyết định này cho phép hãng hàng không quốc gia gia hạn tối đa 3 lần, kéo dài đến cuối năm 2027.
Việc gia hạn này tạo điều kiện cho Vietnam Airlines hoàn tất các nỗ lực tái cấu trúc các khoản đầu tư không cốt lõi, phát hành cổ phiếu mới và cải thiện hoạt động kinh doanh, từ đó tránh được nguy cơ vỡ nợ. Các ngân hàng cho vay, bao gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Vietnam Airlines trong thời gian này. Nhưng hệ lụy đằng sau khoản vay tái cấp vốn này và việc phải gia hạn nợ vay thì lại rất lớn.
Vietnam Airlines được đặc quyền cho vay dưới chuẩn với lãi suất thấp làm phá vỡ tiêu chuẩn tín dụng Việt Nam
Theo Thông tư 04/2021/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã cho SeABank, MSB và SHB vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 3 năm, tức tới tháng 7 năm 2024, để tái cấp vốn cho Vietnam Airlines, đồng thời đảm bảo hãng bay quốc gia này không bị nhảy nhóm nợ. Tuy nhiên, nếu Vietnam Airlines vỡ nợ, ba ngân hàng này sẽ phải tự chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước với lãi suất lên tới 150% bằng cách tự trích tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Thương mại tại Ngân hàng nhà nước. Không những thế, Vietnam Airlines sẽ bị xếp vào nợ xấu nhóm 5. Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng và ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của họ. Do đó, rủi ro về lãi suất đối với các ngân hàng thương mại còn lớn hơn cả Vietnam Airlines nếu khoản vay này trong trường hợp Vietnam Airlines vỡ nợ. Đó cũng là lý do Chính phủ tiếp tục phải “cắn răng” gia hạn trả nợ của Vietnam Airlines nếu không muốn tình hình thị trường tài chính và nợ xấu ngân hàng ngày càng tệ thêm. Mặc dù con số 4.000 tỷ không là nhiều với quy mô kinh tế Việt Nam nhưng việc Vietnam Airlines vỡ nợ có thể gây ra khủng hoảng niềm tin vào kinh tế Việt Nam của người dân, nhất là sau các đại án kinh tế như FLC, Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan.
Chưa kể, khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines là một khoản vay rủi ro và dưới chuẩn nhưng ba ngân hàng thương mại vẫn phải giải ngân theo chỉ đạo và gánh toàn bộ rủi ro. Thậm chí “đặc ân” không để cho khoản vay của Vietnam Airlines nhảy nhóm nợ dù đã lỗ cả 3 năm nay đã làm phá vỡ cả quy chuẩn tín dụng của thị trường tài chính Việt Nam.
Vai trò của Nhà nước là đảm bảo luật chơi công bằng, không phải là can thiệp vào cuộc chơi để tạo lợi thế cho bất kỳ người chơi nào.
Điều này sẽ gây hệ lụy làm hạ uy tín của thị trường tài chính Việt Nam và làm giảm điểm xếp hạng tín dụng quốc tế. Khi các ngân hàng chịu rủi ro lớn khi phải bắt buộc giải ngân các khoản vay tín dụng kém và làm méo mó cả hiện trạng tín dụng vay nợ của Việt Nam. Nếu trong trường hợp các tập đoàn nhà nước độc quyền như EVN, PVN, Than Khoáng sản Việt Nam,... rơi vào nguy cơ phá sản như Vietnam Airlines hay Vinashin, các ngân hàng thương mại sẽ còn phải bị giải ngân dưới chuẩn để giải cứu bao nhiêu lần nữa. Và tất cả những khoản tiền này đều là tiền gửi tiết kiệm và tiền đóng thuế của người dân cũng như bên chịu thiệt sau cùng vẫn là họ.
Đặc ân cho Vietnam Airlines đang gây bất bình đẳng cho ngành hàng không Việt Nam.
Với vai trò là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines được hưởng nhiều đặc quyền từ Nhà nước, chủ sở hữu tới 86,34% cổ phần hãng bay, mà không bất kỳ hãng bay trong nước lẫn quốc tế nào có được. Bảo lãnh cho các khoản vay không phải là đặc ân duy nhất của Vietnam Airlines được nhận từ chính phủ.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã được Bộ Tài Chính cho phép giảm khấu hao tài sản cố định theo hướng dẫn kế toán riêng qua đó giúp Vietnam Airlines thêm dòng tiền hàng năm để giảm chi phí và lỗ nhưng vẫn ghi nhận số lỗ lũy kế khổng lồ lên tới 41.000 tỷ VNĐ.
Ngay kể cả khoản lợi nhuận quý 1/2024 là hơn 4.300 tỷ đồng chỉ đến từ việc bút toán sổ sách khi Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay sau khi Vietnam Airlines tiếp nhận hãng hàng không giá rẻ này từ Qantas Airlines chứ không phải từ lợi nhuận kinh doanh cốt lõi. Tính đến ngày 31/3, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty đã âm 12.556 tỷ đồng tính đến hết quý I năm nay.
Sự can thiệp của Chính phủ, đặc biệt là việc ưu ái dành cho Vietnam Airlines, đang tạo ra một sân chơi méo mó và bất bình đẳng trong ngành hàng không Việt Nam. Theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA), Vietnam Airlines và Vietjet đang chiếm lĩnh thị phần áp đảo, lần lượt là 40% và 34%. Trong bối cảnh đó, việc Vietnam Airlines - hãng hàng không vốn đã có vị thế thống trị - còn được hưởng các đặc quyền đặc biệt từ chính phủ càng khiến tình trạng bất bình đẳng thêm trầm trọng.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho các hãng hàng không khác trong việc cạnh tranh, mà còn là rào cản thu hút vốn đầu tư tư nhân vào ngành và tạo ra rào cản cho sự phát triển của toàn ngành. Điều này làm hạn chế việc gia tăng cạnh tranh của ngành và đi ngược lại với quy luật kinh tế thị trường.
Khi sự cạnh tranh bị hạn chế, động lực để các hãng hàng không nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành và đổi mới sẽ giảm sút. Hệ quả là người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu mức giá vé cao hơn và chất lượng dịch vụ không tương xứng. Về lâu dài, việc thiếu đi một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, khiến ngành này khó có thể bứt phá và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.
Hệ lụy khi đặc quyền cho Vietnam Airlines làm méo mó thị trường chứng khoán
Điển hình cho đặc quyền “méo mó” mà chính phủ ưu đãi cho Vietnam Airlines là vẫn cho mã cổ phiếu HVN niêm yết sàn chứng khoán HOSE dù cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia này vi phạm cả ba điều kiện gồm kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 4 năm liên tục từ 2020 - 2024 trong khi thực tế chỉ cần lỗ 3 năm là đủ để hủy niêm yết bắt buộc, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Sắp tới đây, VNA có thể “đàng hoàng” trụ sàn nếu cơ chế đặc biệt được thông qua để sửa đổi luật chứng khóa tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Nghị định này được công bố lấy ý kiến và chốt sổ trong vỏn vẹn… vài ngày.
Sự việc Vietnam Airlines liên tục né tránh án hủy niêm yết bất chấp kết quả kinh doanh bết bát là minh chứng rõ ràng cho sự thiếu công bằng và minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phải chăng, chỉ vì mang danh “hãng hàng không quốc gia” mà Vietnam Airlines được hưởng đặc quyền, được ưu ái hơn hẳn so với các doanh nghiệp khác, kể cả khi họ cũng đang phải gồng mình vượt qua khó khăn?
Công bằng ở đâu khi cùng chung cảnh ngộ hậu Covid-19, Vietjet phải tự xoay xở tìm giải pháp tài chính, trong khi Vietnam Airlines lại được “ưu ái” với những chính sách đặc quyền? Phải chăng, những Bamboo Airways, Vietravel Airlines, hay bất kỳ hãng hàng không tư nhân nào khác, nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự, cũng sẽ được Chính phủ dang tay cứu giúp? Hay "sân chơi bình đẳng" chỉ dành riêng cho "con cưng" quốc doanh?
Sự bất công còn thể hiện rõ nét hơn khi đặt cạnh trường hợp của Vietnam Airlines với những doanh nghiệp khác. Một “ông lớn” như Hòa Phát, chỉ vì lỗi nhỏ về thành phần Hội đồng quản trị thiếu người đã bị xử phạt, thậm chí còn bị “bêu rếu” lên cả trang Facebook Fanpage Chính phủ. Vậy mà, Vietnam Airlines, sau 4 năm liên tiếp thua lỗ, vẫn ung dung “trụ vững” trên sàn chứng khoán. Còn những doanh nghiệp như HAGL Agrico, do đặc thù ngành nghề nên thời gian thu hồi vốn lâu hơn nên lỗ vài năm lại đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.
Phải chăng, đã đến lúc những "đặc ân" cần được thay thế bằng "công bằng", "ưu ái" phải nhường chỗ cho "minh bạch"? Chỉ khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự công bằng và minh bạch, khi đó, nhà đầu tư mới có thể yên tâm rót vốn, và thị trường mới có thể phát triển bền vững.
Sự bất công này còn ảnh hưởng lớn tới kế hoạch thăng hạng thị trường để thoát mác thị trường ngoại biên của chính phủ Việt Nam hiện nay khi thị trường chứng khoán thiếu minh bạch, nhất quán và công bằng như hiện nay. Nếu nhìn sang thị trường chứng khoán xếp hạng mới nổi là Thái Lan, hãng không quốc gia Thai Airways đã phải hủy niêm yết trên sàn chứng khoán khi thua lỗ ở thời điểm Covid-19 để nhận khoản trợ cấp 50 tỷ baht của chính phủ và cho đến nay vẫn chưa được niêm yết lại để đảm bảo tính minh bạch với chất lượng của thị trường.
Hệ quả của việc ảnh hưởng xấu tới nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đem lại nhiều mất mát và bỏ lỡ các cơ hội lớn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ước tính khoảng 7,2 tỷ USD vốn gián tiếp nước ngoài dự kiến sẽ chảy vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động ETFs sẽ phân bổ nguồn vốn vào thị trường mới nổi. Nếu ở thị trường cận biên, quỹ đầu tư thụ động sẽ chỉ dành 2-3% nguồn vốn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán được xếp hạng cao hơn cũng làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.
Như vừa rồi khi kinh tế vĩ mô đang căng thẳng thì khối ngoại đã bán ồ ạt cổ phiếu Việt Nam, cũng như quỹ ETF của Blackrock chuyên đầu tư vào thị trường ngoại biên là iShares Frontier and Select EM TET bị đóng cửa đã làm nhà đầu tư tháo chạy dẫn tới dòng vốn thất thoát lớn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự việc của Vietnam Airlines một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tính minh bạch và công bằng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Một thị trường minh bạch, công bằng là nền tảng cho sự phát triển bền vững, là chìa khóa để thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Chính sách phải nhất quán, rõ ràng, dễ dự đoán, tránh tình trạng "luật này bắt cá, luật kia bắt chim", khiến nhà đầu tư hoang mang, thậm chí gánh chịu thiệt hại do cơ quan chức năng "lật kèo", thay đổi chính sách đột ngột.
Sự ưu ái, đặc quyền chỉ khiến thị trường méo mó, kìm hãm sự phát triển chung. Đã đến lúc cần những thay đổi mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một "sân chơi" thực sự minh bạch và công bằng.
Sonnie Tran - Sài Gòn Nhỏ