Cover photo

Vingroup chi hơn 900 triệu USD để thanh toán nợ trái phiếu - tiền từ đâu?

Nguồn tiền chủ yếu tới từ bán Vincom Retail và huy động trái phiếu để đảo nợ. Cho thấy tình hình nợ vay của VinGroup đang khó khăn

Theo dõi tin bài trên Twitter , X:

Mới đây, Công ty Chứng khoán VietCap đã ra một báo cáo về cổ phiếu họ nhà Vin. Trong đó được truyền thông Việt Nam nhắc tới nhiều là VinGroup đã chi ra tới 906,5 triệu USD trong năm 2024 để trả nợ trái phiếu quốc tế. Cụ thể thông tin các lô trái phiếu trong báo cáo của VietCap như sau:

1.  Lô trái phiếu 500 triệu USD phát hành năm 2021, lãi suất 3%, thời điểm đáo hạn là 2026, có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VHM với giá 123.000 VND/cổ phiếu: 

  • Vào cuối tháng 4, Vingroup đã sử dụng tiền mặt để mua lại 50% của khoản tiền gốc lô trái phiếu này. 

  • VinGroup đã đảo nợ 50% số còn lại bằng cách phát hành 250 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 2, 2024 có lãi suất hơn 3 lần, lên tới 10%. Lô trái phiếu mới này có giá chuyển đổi thành cổ phiếu VHM là 51.635 VND/cổ phiếu. 

2.  Lôi trái phiếu 625 triệu USD phát hành năm 2022 có quyền chuyển đổi sang cổ phần VinFast, bản cáo bạch của lô trái phiếu này không được công bố.

  • Tháng 4, Vingroup đã mua lại 312,5 triệu USD. 

  • Tháng 7, tiếp tục mua lại 60 triệu USD.

  • 252,5 triệu USD còn lại VIC gia hạn với trái chủ thanh toán vào năm 2027. 

3.  Lô trái phiếu 425 triệu USD của VinPearl đáo hạn năm 2026, với lãi suất 3,25% năm và quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VIC với giá chuyển đổi là 109.680 VND/cổ phiếu. Cụ thể:

  • Vào tháng 8/2024, Vinpearl đã mua lại 284 triệu USD lô trái phiếu trên.

  • Còn 141 triệu USD còn lại, Vinpearl cũng vừa mới phát hành lô trái phiếu quốc tế chuyển đổi cổ phiếu VIC trị giá 150 triệu USD, có lãi suất 9.5% và đáo hạn vào năm 2029, để mua lại và trả nợ. Bản cáo bạch của lô trái phiếu này chưa được công bố. 

Thực tế, yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn từ các trái chủ quốc tế có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính của Vingroup đang gặp khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến việc tập đoàn phải tất toán sớm các lô trái phiếu, dù còn lâu mới đáo hạn, có thể xuất phát từ việc giá chuyển đổi sang cổ phiếu hiện cao hơn nhiều so với giá thị trường của các cổ phiếu VHM, VIC, VFS.

Thông thường, doanh nghiệp sẽ ưu tiên tận dụng tối đa nguồn vốn vay để tạo ra lợi nhuận. Việc mua lại trái phiếu sớm đồng nghĩa với việc giảm khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính, đi kèm với một khoản chi trả tiền mặt lớn, chỉ hợp lý khi lãi suất trái phiếu quá cao. Tuy nhiên, việc ông Vượng phải xoay xở để chi trả một khoản tiền khổng lồ để tất toán các khoản vay sớm cho thấy áp lực tài chính mà tập đoàn đang phải đối mặt.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên 2024 của VinGroup cho thấy mảng sản xuất, trong đó chủ yếu là VinFast đã lỗ gần 19.000 tỷ đồng, trong khi ông Vượng đã phải cam kết tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD cho VinFast "cho đến khi hết tiền mới thôi". Việc các chủ nợ yêu cầu tất toán sớm trong bối cảnh này càng gia tăng áp lực lên dòng tiền của tập đoàn. Tình trạng này khiến uy tín của Vingroup trong mắt các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư bị ảnh hưởng, dẫn đến việc mất vị thế đàm phán khi cần huy động thêm vốn. 

Để tiếp cận nguồn vốn mới, tập đoàn buộc phải chấp nhận vay với lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu khiến cho chi phí vốn của Vingroup sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Điển hình là chi phí lãi vay nửa đầu năm 2024 đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 5.800 tỷ đồng lên 9.400 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày Vingroup phải chi trả hơn 52 tỷ đồng tiền lãi vay, so với mức 32 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Vietcap cũng cho thấy Vingroup đang phải gánh chịu chi phí vay nợ ngày càng đắt đỏ, thậm chí phải đảo nợ với lãi suất cao gấp 3-4 lần so với trước. Bên cạnh việc sử dụng các khoản vay trái phiếu quốc tế với lãi suất cao để đảo nợ như đã đề cập, nguồn tiền để thanh toán cho các trái phiếu đến hạn chủ yếu đến từ hai nguồn: lợi nhuận từ việc bán một phần Vincom Retail và phát hành trái phiếu trong nước với lãi suất cao.

Hơn 62% nguồn tiền huy động được là từ trái phiếu trong nước, với lãi suất cao gấp 3-4 lần lãi suất trái phiếu quốc tế mà Vingroup đã mua lại. Cụ thể:

  1. Trong 5 tháng đầu năm, VIC phát hành thêm 14.000 tỷ đồng, khoảng 560 triệu USD, trái phiếu trong nước. Chủ yếu là trái phiếu Ba Không với lãi suất đều trên 10%/năm. Trong khi đó, lãi suất các trái phiếu được mua lại cũng chỉ khoảng 3%. 

  2. Theo Báo Cáo Tài Chính Đã Kiểm Toán bán niên 2024 của VinGroup, tập đoàn đã bán 70.77% cổ phần của SDI, công ty sở hữu 41,5% của Vincom Retail (VRE) thông qua công ty SADO, thu về 27.654 tỷ đồng và có khoản lợi nhuận 15.537 tỷ đồng, tương đương gần 624 triệu USD. Mà mọi người cũng biết thương vụ này có Techcombank đứng sau. Như vậy, VIC đã thoái 41,5% cổ phần tại VRE. 

Điều này cho thấy tập đoàn đang phải chấp nhận vay với chi phí đắt đỏ hơn để đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ.

Sonnie Tran

Loading...
highlight
Collect this post to permanently own it.
Sonnie Tran logo
Subscribe to Sonnie Tran and never miss a post.
#vinfast#vingroup#vinhome#taichinh