Cover photo

Báo cáo bán niên soát xét 2024: VinGroup vẫn rất “khát” dòng tiền.

VinGroup mất tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo, trong đó có cổ phiếu công ty con. Doanh thu tài chính lên tới 26.700 tỷ, chủ yếu tới từ việc bán VRE cho Techcombank. Người cũ Nam An lại xuất hiện và VMI liệu có dừng hoạt động.

VinGroup chịu áp lực bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay hợp vốn hơn 26.700 tỷ đồng do tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo không đủ. Doanh thu tài chính nửa đầu năm 2024 của tập đoàn đạt 26.600 tỷ, chủ yếu từ thương vụ bán Vincom Retail do Techcombank - chủ nợ lớn - hậu thuẫn và xào nấu bán Công ty NVY Việt Nam. Đáng chú ý, Nam An - công ty liên quan đến ông Phạm Nhật Vượng - tái xuất hiện trong báo cáo bán niên, từng giúp VinFast và VinGroup biến khoản vay 4.700 tỷ từ Techcombank thành doanh thu 5.800 tỷ. Ngoài ra, có dấu hiệu cho thấy VMI, công ty mua chung bất động sản đình đám của ông Vượng, đã ngừng hoạt động.

Cổ phiếu lao dốc, VinGroup đối mặt rủi ro với khoản vay thế chấp lên tới 26.700 tỷ đồng. 

Báo cáo bán niên soát xét năm 2024 của Vingroup vừa được công bố gần đây đã hé lộ một thông tin đáng chú ý tại phần thuyết trình số 26. Cụ thể, tập đoàn này đang phải đối mặt với áp lực bổ sung tài sản đảm bảo (TSDB) cho các khoản vay hợp vốn trị giá hơn 26.700 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tỷ lệ giá trị TSDB hiện tại không đáp ứng các điều khoản đã được thỏa thuận trong hợp đồng vay tại thời điểm cuối quý II/2024.

Danh mục TSDB của Vingroup khá đa dạng, bao gồm hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, bất động sản, dự án đang xây dựng, lợi tức gắn liền với hàng tồn kho, số dư tài khoản dự phòng trả nợ tại Ngân hàng nước ngoài, và cả cổ phiếu của một số công ty con.

Mặc dù Vingroup không tiết lộ chi tiết điều khoản vay vốn, nhưng có khả năng rằng cổ phiếu VHM – công ty con có lợi nhuận cao và sở hữu cổ phiếu có giá trị thị trường lớn nhất tập đoàn – đã được sử dụng làm tài sản đảm bảo. Chính việc giá cổ phiếu VHM liên tục giảm mạnh đã khiến tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo không đạt yêu cầu, buộc Vingroup phải tìm cách bổ sung giá trị TSDB.

Động thái công bố mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM của Vinhomes gần đây có thể là một nỗ lực bổ sung giá trị TSDB của Vingroup, nhằm đảm bảo tuân thủ các điều khoản vay vốn. Bằng cách công bố mua lại cổ phiếu quỹ, Vingroup đã tạo hiệu ứng đám đông sợ bỏ lỡ (FOMO) trên thị trường, qua đó “lái” dòng tiền, đẩy giá cổ phiếu VHM tăng 19%. Sự tăng giá này giúp phần nào gia tăng giá trị TSDB, hỗ trợ Vingroup trong quá trình hoàn tất thủ tục bổ sung.

Tuy nhiên, kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ này vẫn cần sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tức là tập đoàn vẫn đang phải "hoàn tất các thủ tục hành chính với cơ quan" để bổ sung TSDB, nhằm đảm bảo tuân thủ các điều khoản vay vốn.

Dấu hỏi nghi ngờ về khả năng mua lại hết 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM của Vinhomes

Khả năng Vinhomes có thể mua lại toàn bộ 370 triệu cổ phiếu như đã cam kết vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, tính tới cuối tháng 6 năm 2024, tổng giá trị các khoản tiền và đầu tư ngắn hạn có thể thanh khoản ngay của VinGroup chỉ vào khoảng 30.000 tỷ đồng, bao gồm 28.500 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, cùng 1.850 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.

Trong khi đó, nếu mua hết 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM với mức giá 41.500 đồng mỗi cổ phiếu vào ngày 1/9/2024, VinGroup sẽ phải chi ra hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng tài sản thanh khoản hiện có. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính của VinGroup trong việc thực hiện thương vụ mua lại này, đặc biệt là trong bối cảnh tập đoàn đang cần nguồn lực lớn để triển khai dự án Vinhomes Vũ Yên và hàng loạt dự án khác được quảng cáo là "đất sạch".

Cần nhớ rằng, VinGroup đang vướng phải nhiều cáo buộc lừa đảo từ phía nhà đầu tư liên quan đến các dự án Vinhomes Ocean Park Hà Nội và Vinhomes Grand World Phú Quốc, khi tập đoàn bị tố cáo chuyển nhượng trái phép công trình xây dựng trên đất có mục đích sử dụng thương mại dịch vụ và công cộng.

Trong cuộc trao đổi gần đây của khối Quan hệ Nhà đầu tư (IR) Vinhomes với các quỹ đầu tư, cổ đông lớn và công ty chứng khoán, Vinhomes khẳng định kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động.

Cụ thể, nguồn tiền dự kiến sẽ đến từ doanh thu bán sỉ dự án Vũ Yên và các giao dịch bán lô lớn trong nửa cuối năm 2024 (ước tính đạt 40.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Vinhomes còn kỳ vọng vào nguồn thu từ việc mở bán phân khu thấp tầng dự án Cổ Loa vào cuối năm, sau khi hoàn tất đàm phán chuyển nhượng phân khu cao tầng cho đối tác để rút ngắn thời gian đầu tư và thu hồi vốn nhanh hơn.

Hiện tại, doanh nghiệp đang tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, dự kiến hoàn tất vào ngày 3/9. Việc thông qua kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ là chắc chắn do Vinhomes có tới 70% cổ phần nắm giữ bởi các cổ đông nội bộ. Sau khi nhận được sự chấp thuận từ cổ đông, Vinhomes sẽ xin ý kiến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với quy trình 7 ngày làm việc. Dự kiến, quá trình mua lại cổ phiếu quỹ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 9/2024.

Tuy nhiên, những tuyên bố về nguồn tiền mà VinGroup dự kiến sử dụng để mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM chỉ mang tính chất dự kiến, chưa có gì đảm bảo việc mua lại sẽ được thực hiện trọn vẹn, thậm chí có thể xem là "đếm cua trong lỗ".

Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch, đặc biệt trong bối cảnh VinGroup đang rất cần tiền mặt. Việc tập đoàn sử dụng phần lớn doanh thu quý cuối năm chỉ để mua lại cổ phiếu quỹ VHM – một hoạt động mang lại lợi ích không đáng kể cho cổ đông – là điều khó có thể xảy ra.

Cụ thể, tính tới nửa đầu năm 2024, nếu không tính đến các khoản mua bán, sáp nhập công ty con và liên kết nhằm "xào nấu" sổ sách, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh mảng sản xuất của VinGroup, chủ yếu là VinFast, đang ghi nhận khoản lỗ gần 19.000 tỷ đồng, trở thành gánh nặng cho toàn tập đoàn. Mặc dù lợi nhuận thuần mảng bất động sản của Vinhomes đạt 9.700 tỷ đồng – một con số ấn tượng – nhưng vẫn không đủ sức "cứu vớt" VinGroup khỏi khoản lỗ ròng 7.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tập đoàn của ông Vượng đang rất cần nguồn doanh thu từ các dự án Vũ Yên và Cổ Loa để cải thiện tình hình tài chính, "đốt tiền" cho VinFast và chi trả cho chi phí xây dựng dự án Vinhomes Royal Island tại Vũ Yên, Hải Phòng.

Có thể thấy, việc VinGroup công bố và tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ VHM nhiều khả năng chỉ là một chiêu trò "tung hỏa mù", nhằm đẩy giá cổ phiếu VHM lên và bổ sung giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu này, trong bối cảnh giá VHM đang liên tục lao dốc.

Rất có thể, chỉ sau hạn một tháng kể từ khi chính thức bắt đầu mua lại, Vinhomes sẽ công bố không thể mua đủ 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM như đã công bố ban đầu mà chỉ mua được một lượng nhỏ, hoặc thậm chí không mua được bất kỳ cổ phiếu nào, với lý do quen thuộc là "điều kiện thị trường không cho phép". Lý do này có thể được hiểu là giá cổ phiếu VHM đã tăng quá cao so với mức giá mà Vinhomes dự kiến mua vào, khiến thương vụ trở nên kém hấp dẫn hoặc vượt quá khả năng tài chính của tập đoàn.

Nói cách khác, Vinhomes có thể "tung tin" mua cổ phiếu quỹ để "lùa gà", đẩy giá VHM lên cao, sau đó lại "lật kèo" với lý do giá cổ phiếu đã tăng quá mạnh. Kết quả là, các nhà đầu tư FOMO đổ xô mua VHM với hy vọng kiếm lời từ thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ sẽ trở thành "trò hề" bị "úp bô" khi Vinhomes bất ngờ tuyên bố mua được số lượng ít hoặc không mua được cổ phiếu nào.

Lợi nhuận gần chục nghìn tỷ của Vinhomes "bốc hơi" vì VinFast 

Báo cáo tài chính bán niên đã kiểm toán năm 2024 của tập đoàn VinGroup cho thấy kết quả kinh doanh không có nhiều thay đổi so với báo cáo chưa kiểm toán được công bố trước đó. Theo đó, nếu không tính đến lợi nhuận từ việc bán các công ty con và liên kết nhằm "xào nấu" sổ sách, mảng kinh doanh bất động sản, với doanh thu chủ yếu đến từ Vinhomes, vẫn là "đầu tàu" với lợi nhuận chiếm tới 74% tổng lợi nhuận của các mảng kinh doanh có lãi. 

Tuy nhiên, mức lợi nhuận này cũng trở nên vô nghĩa khi phải "gồng gánh" khoản lỗ khổng lồ gần 19.000 tỷ đồng từ mảng sản xuất, mà "thủ phạm" chính là "cục nợ" VinFast. Kết quả là, toàn tập đoàn VinGroup ghi nhận khoản lỗ 7.000 tỷ đồng, cho thấy "gánh nặng" VinFast đang đè lên vai "người anh cả" Vinhomes và toàn bộ tập đoàn.

Cụ thể, tính tới nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh Bất Động Sản, chủ yếu là từ Vinhomes, đạt 9.700 tỷ đồng, một con số đáng thất vọng khi so sánh với mức 17.900 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự sụt giảm gần 46%. Dù vẫn đóng góp phần lớn lợi nhuận cho tập đoàn, nhưng rõ ràng mảng bất động sản cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Kế đến là mảng kinh doanh cho thuê bất động sản và dịch vụ liên quan, mà Vincom Retail là đơn vị đóng góp chủ yếu, đang phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng khi lợi nhuận chỉ đạt 1.300 tỷ đồng, giảm mạnh tới 52% so với mức 2.700 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.

Ngược lại, mảng giáo dục với hai đại diện là Vinschool và VinUni lại ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ, với lợi nhuận đạt 359 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Vinpearl - công ty con chiếm phần lớn doanh thu mảng du lịch, vui chơi giải trí và dự kiến niêm yết cổ phiếu trong năm nay - vẫn chưa thoát khỏi "vũng lầy" thua lỗ. Dù khoản lỗ 519 tỷ đồng đã giảm đáng kể 77% so với mức 2.500 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023, nhưng rõ ràng Vinpearl vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể khẳng định vị thế và đóng góp tích cực vào lợi nhuận của toàn tập đoàn.

Theo quy định của Luật Chứng Khoán Việt Nam, điều kiện để một công ty có thể niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán cần có ty cần có lợi nhuận trong ít nhất 2 năm liền kề trước khi IPO, không bị lỗ lũy kế và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân phải không thấp hơn 5%. Như vậy, với tình hình lỗ liên tiếp của Vinpearl như hiện nay, tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải chỉ đạo “xử lý kỹ thuật” để tạo doanh thu trên sổ sách báo cáo tài chính riêng lẻ của Vinpearl. 

Mảng sản xuất, với VinFast là nguồn thu chính, ghi nhận tổng doanh thu thuần 14.200 tỷ đồng. Sau khi loại trừ doanh thu nội bộ 167 tỷ đồng, doanh thu thuần của riêng VinFast đạt 14.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty taxi xe điện GSM của chủ tịch VinGroup, ông Phạm Nhật Vượng, đóng góp tới 5.700 tỷ đồng, chiếm 40% doanh thu thuần của toàn mảng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới 24.700 tỷ đồng đã khiến mảng sản xuất lỗ thuần gần 19.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với mức lỗ 14.700 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tài chính 26.600 tỷ chủ yếu tới từ tiền bán Vincom Retail.

Doanh thu tài chính của VinGroup từ việc “bán công ty con và thanh lý các khoản đầu tư tài chính”, danh mục chính cho việc xào nấu sổ sách của VinGroup, là hơn 26.600 tỷ đồng. Chủ yếu tới từ việc bán Vincom Retail và công ty NVY Việt Nam. 

Cụ thể, VinGroup đã bán 80% Công ty NVY Việt Nam, thu về khoản lãi 8.000 tỷ đồng. 20% còn lại chuyển giao cho Vinhomes và bút toán thành khoản đầu tư vào công ty con. Thông tin về thương vụ này đã được hé lộ trước đây tại đây.

Ngoài ra, VinGroup đã lần lượt đã bán 70.77% cổ phần của SDI, công ty vỏ bọc sở hữu 41.5% Vincom Retail (VRE) thông qua một công ty vỏ bọc khác SADO, thu về hơn 27,600 tỷ VNĐ và ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 15,500 tỷ VNĐ, tương đương gần 624 triệu USD. Bên mua là 4 công ty vỏ bọc đều có mối liên quan đến Techcombank.

Techcombank và Công ty chứng khoán của ngân hàng cũng là chủ nợ trái phiếu trong nước lớn nhất của VinGroup với 53.700 tỷ đồng, chiếm tới gần 53% số khoản vay trái phiếu trong nước. Đấy là còn chưa kể có khả năng còn các khoản vay được giấu và tạo doanh thu thông qua các công ty vỏ bọc như Nam An với 4.700 tỷ đồng được Techcombank cho VinFast vay trước đây chưa được thống kê.

Nam An là một công ty có liên quan đến tập đoàn VinGroup nhưng không thuộc công ty liên kết của tập đoàn, có người đại diện pháp luật là ông Hoàng Quốc Thủy. Trụ sở chính của Nam An ở tầng 2, khu Almaz Market, đường Hoa Lan, khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside. Ông Hoàng Quốc Thủy là một trong những người sáng lập Technocom cùng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tại Ukraine. Sau khi gia nhập Technocom, ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng. Ông cũng đã đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Quang Thái - từng là cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup. 

Ngày 9/3/2023, VinFast đã ký kết hợp tác kinh doanh với Công ty Nam An, theo đó Nam An cam kết đầu tư 5.875 tỷ đồng (246,9 triệu USD) để phát triển nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Phòng. Đổi lại, Nam An sẽ được hưởng lợi nhuận từ việc bán xe điện của VinFast: 1,5% tổng doanh thu năm 2023 và 0,5% tổng doanh thu hoặc 5% lợi nhuận gộp năm 2024. Hợp đồng có thời hạn 18 tháng, sau đó Nam An có thể rút vốn, gia hạn thêm 18 tháng hoặc chuyển đổi khoản đầu tư thành vay có bảo đảm.

Trước đó, Nam An đã phát hành 47.000 trái phiếu NANCB2324001, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, thuộc loại "ba không" là không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo lãnh thanh toán. Trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 13%/năm (kết hợp cố định và thả nổi) và được đảm bảo bằng tài sản là quyền lợi từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với VinFast và các hợp đồng mua bán với Vinhomes. Cụ thể, Nam An đã thế chấp các quyền lợi này tại Techcombank ngay trước khi phát hành trái phiếu.

Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong cùng báo cáo tài chính của VinFast cũng ghi nhận khoản "Cash received under a business cooperation contract” - tức tiền mặt nhận được theo hợp đồng hợp tác kinh doanh - với giá trị 5.875 tỷ đồng. Có thể nhận thấy rằng con số này đã bao gồm cả lãi suất 13%/năm của khoản tiền 4.700 tỷ đồng sau 18 tháng.

Qua đó, bằng cách sử dụng công ty vỏ bọc Nam An để vay 4.700 tỷ đồng từ Techcombank thông qua phát hành trái phiếu NANCB2324001, VinGroup đã "hô biến" khoản vay thế chấp bằng doanh thu VinFast trong tương lai thành doanh thu từ đầu tư, bao gồm cả lãi vay. Cách thức này đã giúp VinGroup tạo ra doanh thu cho cả VinFast và tập đoàn, "làm đẹp" cho báo cáo tài chính.

Ngoài ra, Nam An cũng xuất hiện trong cái nồi xào nấu sổ sách bán niên 2024 của VinGroup lần này khi có giao dịch với 2 công ty dự án của VinGroup. Cụ thể, công ty Du Lịch Phú Quốc đã chuyển nhượng quyền khai thác và cho thuê biệt thự biển ở Phú Quốc cho Nam An và ghi nhận lợi nhuận 1.920 tỷ đồng và một hợp đồng tương tự với Công ty Cổ phần Vinpearl thu về lợi nhuận 1.223 tỷ đồng. 

Công ty mua chung bất động sản VMI mất tích - liệu khách hàng mua chung có được chia lãi suất như cam kết?

Ra mắt vào ngày tháng 10 năm 2022 với vốn điều lệ lên đến 18.000 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI JSC) nhanh chóng thu hút sự chú ý với tham vọng "phổ cập" đầu tư bất động sản. Dưới sự dẫn dắt của ông Phạm Nhật Vượng, người góp vốn hơn 90% cổ phần bằng cổ phiếu VIC của tập đoàn VinGroup, VMI được VinGroup quảng bá rầm rộ với gói đầu tư chung và mô hình đầu tư phân chia, cho phép nhà đầu tư sở hữu một phần nhỏ của bất động sản VinGroup trị giá hàng chục tỷ đồng chỉ với số vốn từ 38 đến 50 triệu đồng. VMI cam kết mang đến cơ hội gia tăng tài sản "an toàn và hiệu quả" cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản thứ cấp.

Tuy nhiên, ngay từ khi ra mắt, mô hình của VMI đã vấp phải nhiều tranh cãi về tính pháp lý do luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về việc mua chung hay chia nhỏ tài sản. Thậm chí, nhiều công ty có mô hình tương tự đã bị Bộ Công Thương cảnh báo trước đó.

Bất ngờ hơn, bước sang nửa đầu năm 2024, VMI hoàn toàn không ghi nhận một đồng doanh thu nào trong báo cáo bán niên soát xét của VinGroup, dấy lên nghi ngờ về việc công ty này đã âm thầm ngừng hoạt động. Mặc dù báo cáo tài chính hợp nhất soát xét của VinGroup vẫn ghi nhận khoản đặt cọc mua hàng trị giá 68,6 tỷ đồng từ VMI, cho thấy đã có khách hàng tham gia đầu tư, nhưng nhiều nguồn tin cho biết, chủ yếu là nhân viên và lãnh đạo Vingroup bị "ép" mua VMI, tương tự như cách VinFast bán xe.

Vậy nếu VMI thực sự đã ngừng hoạt động, liệu các khách hàng có được nhận lãi như cam kết ban đầu? Báo cáo tài chính của Vingroup không đề cập đến vấn đề chi trả lãi này, trong khi chính sách bảo mật thông tin nghiêm ngặt của tập đoàn khiến việc xác minh thông tin trở nên khó khăn. Liệu Vingroup có lợi dụng chính sách này để "bịt miệng" các khách hàng là nhân viên, ngăn họ lên tiếng về việc không được chi trả lãi suất? 

Tình hình tài chính kém khả quan với chi phí lãi vay tăng cao, lãi mẹ đẻ lãi con vì đảo nợ. 

Trong 9 tháng đầu năm 2024, theo tiết lộ từ Công ty Chứng khoán VietCap, tập đoàn VinGroup đã phải chi hơn 900 triệu USD để mua lại toàn bộ hoặc một phần các lô trái phiếu quốc tế được quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VHM, VIC và VFS, mặc dù chưa đến hạn thanh toán. Thông thường, doanh nghiệp sẽ ưu tiên tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn vay để tạo ra lợi nhuận. Do đó, việc mua lại trái phiếu trước hạn đồng nghĩa với việc giảm khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính và phải chi trả một khoản tiền mặt lớn, chỉ thực sự hợp lý khi lãi suất trái phiếu quá cao. Việc ông Phạm Nhật Vượng phải xoay sở để chi trả một khoản tiền khổng lồ như vậy cho thấy áp lực tài chính đáng kể mà tập đoàn đang phải đối mặt.

Nguồn tiền chủ yếu để mua lại lô trái phiếu quốc tế đến từ giao dịch bán Vincom Retail, trong đó Techcombank được cho là đứng sau mua lại. Ngoài ra, VinGroup còn thực hiện đảo nợ bằng cách phát hành 14.000 tỷ đồng trái phiếu "ba không" trong nước và 400 triệu USD trái phiếu quốc tế với lãi suất cao gấp ba, bốn lần so với lô trái phiếu quốc tế đã được mua lại. Hệ quả là chi phí lãi vay nửa đầu năm 2024 của tập đoàn đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 5.800 tỷ đồng lên 9.400 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày, VinGroup phải chi trả hơn 52 tỷ đồng tiền lãi vay, so với mức 32 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, tính đến hết nửa đầu năm 2024, VinGroup còn phải đối mặt với khoản nợ trái phiếu dài hạn đến hạn trả trong năm nay lên tới hơn 30.300 tỷ đồng. Chưa kể, Vinhomes mới công bố kế hoạch mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM, dự kiến được tài trợ bằng doanh thu từ việc bán sỉ bất động sản tại dự án Vinhomes Cổ Loa (Hà Nội) và Vinhomes Royal Island (Vũ Yên, Hải Phòng), cũng sẽ "ngốn" của VinGroup khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tất cả những yếu tố này cộng với lợi nhuận kinh doanh thuần bị tụt lại so với năm 2023 cho thấy áp lực tiền mặt đang đè nặng lên tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, báo hiệu một bức tranh tài chính u ám trong nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025. Đặc biệt, VinGroup còn phải "oằn mình" gánh "con nghiện tiền" VinFast, khi khoản lỗ của hãng xe này ngày càng gia tăng. Mặc dù doanh thu từ hoạt động sản xuất, chủ yếu từ VinFast, đã tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 9.700 tỷ đồng lên 14.000 tỷ đồng, nhưng giá vốn cũng tăng tương ứng 41%, từ 17.500 tỷ đồng lên 24.700 tỷ đồng. Hệ quả là, khoản lỗ từ mảng sản xuất đã tăng gần 29%, từ 14.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 lên 18.900 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. 

Sonnie Tran - Sài Gòn Nhỏ.




Loading...
highlight
Collect this post to permanently own it.
Sonnie Tran logo
Subscribe to Sonnie Tran and never miss a post.
#vingroup#vinhomes#vinfast##xanhsm#taichinh